Đảo yến Hòn Nội Nha Trang

Nha Trang được nhiều ưu đãi của thiên nhiên, từ những bãi cát trắng mịn, rạn san hô trập trùng, nhiều loài sinh vật biển quý hiếm và đặc biệt là những đảo yến. Đảo yến là những đảo có chim yến tới làm tổ. Trong số gần 100 hòn đảo của tỉnh Khánh Hòa, hiện có hơn chục hòn đảo được loài chim quý này chọn làm nơi cư trú để xây tồ như hòn Nội, hòn Ngoại, hòn Hố, hòn Chà Là, hòn Đụn, hòn Mun, hòn Nọc, hòn Xà Cừ, hòn Cỏ Ông, hòn Đồi Mồi, hòn Trảo Đỏ, hòn Sam…Hòn Nội và Hòn Ngọai là hai đảo có sản lượng yến sào nhiều nhất. Nếu đứng ở bãi Dài (thuộc Cam Ranh) nhìn ra biển, ta sẽ bắt gặp một hòn đảo nổi lên hao hao tựa như một con kỳ nhông trên biển - đó là Hòn Nội - một trong những đảo yến đẹp nhất và quan trọng nhất trong quần thể Đảo Yến.
Từ tháng tư đến tháng chín hàng năm, Công ty Yến sào Khánh Hòa tổ chức đưa du khách đến tham quan đảo Hòn Nội, một trong những đảo yến có bãi tắm tuyệt đẹp ở phố biển Nha Trang.
Đảo yến Hòn Nội cách thành phố Nha Trang chừng 12 hải lý (khoảng 20km), đi bằng tàu mất hơn 1 giờ. Hòn Nội là một trong những đảo nổi tiếng ở Khánh Hòa có chim yến sinh sống và làm tổ. Chim yến làm tổ trong những hang đá cheo leo, hiểm trở, thoáng mát trên các đảo đá. Chim yến sống thành từng đôi trong bày đàn lớn tới vài nghìn con, chúng không đậu chỗ nào ngoài tổ của mình. Chim yến có thân nhỏ, lông màu đen, hàng ngày chúng bay một quãng đường dài hàng trăm cây số vào đất liền tìm mồi mà không cần nghỉ ngơi. Chúng có thể bay liên tục từ 5h sáng đến 20h, với tốc độ bình quân 40km/h, để bắt những loài côn trùng bay như mối bay, kiến bay, ruồi, các loài rầy. Hằng năm vào đầu mùa xuân, cả chim đực lẫn chim mái cùng nhau làm tổ. Chúng nhả dãi (tiết chất dịch từ hai tuyến trong miệng) thành từng sợi trắng, trong suốt, gắn dần lên vách đá, đan xen với nhau để chúng khô cứng lại thành chiếc tổ. Mùa chim yến làm tổ, đẻ trứng, nuôi con từ tháng 1 đến tháng 8 Dương lịch. Tổ của chúng rất dễ bị hư hỏng do môi trường không thuận lợi (hang quá khô nóng, quá ẩm ướt, mưa gió, sóng biển…), nhưng yến là loài chim rất kiên trì, mất tổ thì lập tức làm lại tổ mới và tiếp tục đẻ trứng cho đến khi tuyến nước bọt cạn kiệt và không thể đẻ trứng tiếp. Từ xưa, những người làm nghề khai thác yến đã biết lợi dụng đặc tính này của chim yến để tổ chức thu hoạch tổ. Tháng 4 là kỳ thu hoach lần thứ nhất. Chim bị mất tổ lập tức làm lại tổ mới, lần này chỉ cần 35-40 ngày. Nếu không dưỡng chim, người ta lại tiến hành thu hoạch tổ. Chim yến ra sức làm tổ cho kịp mùa đẻ trứng nên chỉ cần 25-30 ngày là lại làm xong tổ mới. Lúc này, người ta để cho chim đẻ trứng, ấp nở và nuôi con trưởng thành, sau khi chim con rời tổ mới thu hoạch lần cuối. do phải làm tổ nhiều lần, sức lức cạn kiệt nên tổ yến càng về sau càng mỏng, càng nhỏ và chất lượng cũng kém hẳn đi. Khi chim bố mẹ kiệt sức chết nhiều, số tổ không trứng tăng, đàn chim con tất nhiên bị giảm sút. Vì vậy, để bảo tồn đàn chim, nay người ta chỉ thu hoạch yến hai kỳ một năm. Kỳ 1 vào khoảng tháng 4, khi chim vừa làm tổ xong. Kỳ 2 vào khoảng tháng 8, sau khi chim lại làm tổ và nuôi chim con cho tới khi trưởng thành, bay đi hết. Bằng cách này, mỗi năm thu được hai lứa tổ mà vẫn dưỡng được chim, giúp đàn chim tăng trưởng.
Đảo yến Hòn Nội rất đẹp và thơ mộng. Bãi tắm đôi hình vòng cung với làn nước xanh trong, có thể nhìn ngắm san hô sống và nhiều loài cá đủ màu sắc bơi lượn. Những mỏm đá nhiều hình thù kỳ lạ hướng ra biển là địa điểm lý tưởng để câu cá, thư giãn và tha hồ ngắm hải âu bay lượn rợp cả một góc đảo. Từ trên đỉnh Du Hạ có thể quan sát đảo Hòn Nội, một số đảo xung quanh và đền thờ yến. Toàn cảnh đều trong vắt một màu xanh. Trời và biển như giao hòa tạo nên cảnh đẹp hùng vĩ, không kém phần lãng mạn. Điều đặc biệt thú vị khi đến đảo yến Hòn Nội là du khách được tận mắt nhìn thấy những tổ yến  cheo leo trên vách núi. Yến thường làm tổ trong hang động, có những hang yến rất  rộng, nhưng cũng có hang rất nhỏ hẹp, chỉ có thể lách mình mới vào được phía trong.
Tương truyền năm 1328 thuyền của Đề đốc nhà Trần Lê Văn Đạt bị bão dạt vào Hòn Tre, ông lập ra thôn Bích Đầm và tìm ra các đảo yến, nghề yến sào của Khánh Hòa có từ đó. Năm 1769, ông Lê Văn Quang (hậu duệ của ông Lê Văn Đạt) đã hiến toàn bộ các đảo yến làm nguồn tài chính cho nhà Tây Sơn. Bà Lê Thị Huyền Trâm (con gái ông Đạt) đã có công lớn trong việc chỉ huy tướng sĩ bảo vệ, khai thác yến sào. Khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh đem quân ra đánh phủ Bình Khang (tức vùng Khánh Hòa ngày nay), thủy quân Tây Sơn chiến đấu anh dũng. Bà Lê Thị Huyền Trâm, An phủ sứ Lê Văn Quang cùng nhiều tướng sĩ đã anh dũng hi sinh vào ngày 10-5 năm Kỷ Sửu (năm 1793). Từ đó, bà Lê Thị Huyền Trâm được nhân dân trong vùng suy tôn là “Đảo chủ Thánh mẫu”, lập đền thờ bà trên các đảo. Hàng năm, những người làm nghề yến sào ở Khánh Hòa tổ chức Lễ cúng tổ long trọng trên đảo Hòn Nội và làm  lễ tạ ơn sau mỗi mùa thu hoạch.


Các trang web liên quan: